Khó có thể dự đoán được điểm chuẩn tăng hay giảm hoặc tăng, giảm ở mức độ nào bởi điểm chuẩn năm nay bị tác động vào nhiều yếu tố, từ phổ điểm thi, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đến việc không còn xét tuyển sớm mà xét tuyển chung một đợt.
Đây là nhận định của các chuyên gia tuyển sinh tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2025 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức ngày 19-7 tại Trường đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho rằng điểm chuẩn năm nay khó lường, nhất là nhóm ngành, trường có mức điểm chuẩn năm trước trong khoảng 20-24 điểm (mức điểm phổ biến trong kỳ thi năm nay) khó có thể dự đoán được tăng hay giảm.
Bởi dù phổ điểm thi chung năm nay giảm nhưng ngược lại số lượng điểm 10 lại nhiều hơn năm trước, mặt khác điểm chuẩn còn phụ thuộc rất nhiều vào số lượng thí sinh cũng như mức điểm của nhóm thí sinh đăng ký vào ngành trường đó.
Việc khó đoán về điểm chuẩn còn do năm nay không còn các đợt xét tuyển sớm mà các phương thức được xét tuyển đồng thời và không phân chia tỉ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức.
Trong khi các năm trước, sau các đợt xét tuyển sớm, các trường có thể nắm sơ bộ về lượng thí sinh vào trường; dựa trên tỉ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phổ điểm thi, trường có thể dễ dàng dự báo được mức điểm chuẩn.
Dự kiến ngày mai 21-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe, nhóm ngành đào tạo giáo viên và độ lệch điểm giữa các tổ hợp trong kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Tiếp đó các trường đại học cũng sẽ công bố cách thức quy đổi điểm giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển của trường. Bộ không bắt buộc tất cả các trường quy về thang 30 mà việc quy đổi này thuộc quyền tự chủ của các trường.
Nguồn: https://tuoitre.vn/